Tuổi 20 tôi đã sống như một bông hoa dại

Trang Xtd - 1994 - “Tôi là cô gái có hình hài tuổi hai mươi hai, trái tim tuổi mười sáu và đôi khi suy nghĩ đi lạc tới tận tuổi bốn mươi.” 

Đó là lười tự giới thiệu của tác giả. Chị không gọi mình là nhà văn, chị gọi mình là thợ viết. Ngay từ những dòng đầu tiên của tác phẩm, chị đã “đập” vào mặt những người trẻ háo danh một rằng “trong cuộc sống này, động từ mới quan trọng, danh từ chỉ là thứ theo sau”. Đó, tôi và bạn có thể viết văn viết thơ mà không cần phải là nhà văn nhà thơ, tôi và bạn có thể vẽ tranh đánh đàn mà không cần phải là họa sĩ, nhạc công. Và mỗi một trang sách trôi qua, lại là lần lượt từng cái “vả” đầy nhẹ nhàng nhưng rất thấm vào trong tâm hồn của những người đọc đang ở cái tuổi đôi mươi – cái tuổi mà ai ai cũng đòi hỏi họ phải sôi nổi, phải nhiệt huyết trào dâng, phải máu lửa, phải ăn thua, phải chiến đấu; thậm chí kể cả họ cũng đòi hỏi họ phải như thế.

Tôi biết, ai đọc sách cũng sẽ luôn thấy hình bóng của mình trong mỗi trang sách mỗi câu chuyện; và tôi cũng vậy. Tôi cũng có cái gì đó giống chị. Cũng là một đứa nhóc, tự vắt kiệt sức mình cho những cuộc chiến của danh hiệu, cuộc chiến cho những tấm giấy khen, bằng khen.

Rồi chị ấy đã không còn tranh đấu, đã cảm nhận thấy những điều thực sự giá trị trong cuộc sống, những gì mà một con người tuổi 20 (có lẽ) nên được biết mà tôi và nhiều người bạn của tôi lại hiếm khi nhận được trong trường học, cũng hiếm khi có người lớn nào nói với chúng ta như thế. Bởi vì thế hệ 9x chúng ta được sinh ra trong một bước chuyển của xã hội và tư duy xã hội, có những thứ của thời bố mẹ ông bà, không thể còn đúng đắn và hợp lý khi ghép vào xã hội của thời đại bây giờ. Chỉ có tình yêu, lòng biết ơn thì không đươc phép thay đổi.

Chị tác giả dẫn chúng ta lần lượt qua những câu chuyện nào người trẻ cũng sẽ trải qua. Chuyện đi tìm bản ngã. Rằng chúng ta không phải là duy nhất, rằng chúng ta không hề vĩ đại. Việc của chúng ta không phải là leo lên đỉnh núi cao nhất thế giới. Việc của chúng là tìm thấy bản thân mình thoải mái và hạnh phúc. Chúng ta không hề phải chiến đấu, phải đua tranh với người khác, với “con nhà người ta” và chúng ta cũng không cần phải chiến đấu với chính bản thân mình.

Đó là những câu chuyện của hoài niệm của những người chưa lớn đã già. Những người ngày qua lặp đi lặp lại một việc mà lại mong mỏi cuộc sống của mình sẽ khác đi. Đó là những người cấp 3 thì muốn làm đứa trẻ thơ, sinh viên thì muốn về làm học sinh, đi làm thì vẫn muốn là sịnh viên. Những con người trốn tránh thực tại, vì chúng ta luôn tự lừa dối mình bằng cách đem so những gì đẹp nhất trong quá khứ với những thực tại nghiệt ngã hiện tại mà mình đang vấp phải.

Đó là những câu chuyện của tình yêu. Không yêu không phải là không tốt, cũng giống như không mua một đôi giày không phải vì chiếc giày không đẹp. Đôi chân cỡ 37 sao có thể cố đi một đôi cỡ 36 hay 38. Đó cũng là câu chuyện, chia tay chẳng phải hết yêu, yêu và học cách yêu là một quá trình học lớn. Khi chúng ta cùng lớn lên với nhau thì cũng là lúc chúng ta có thể phải học cách rời xa nhau. Như những người bạn trong quá khứ không thể luôn bên cạnh chúng ta khi hiện tại.

Đó là câu chuyện về những trang mạng xã hội. Nơi nhưng con người luôn cảm thấy mình thật nhỏ bé và yếu đuối trong một bể những hình mẫu tuyệt hảo về thành công, về giàu có, về tự do,… Đó là khi chính mình lặng mình trong góc khuất, so sánh những gì xấu xí nhất của mình và chỉ mình mới nhìn thấy với những gì đẹp nhất và đôi khi là vượt quá cả đẹp nhất của người khác bên ngoài xã hội. Lấy đó làm vũ khí để làm tổn thương chính mình.

Đó là câu chuyện về sự biết ơn. Biết ơn bố mẹ, ông bà. Biết ơn tình cảm gia đình. Tôi đã rất ngạc nhiên khi câu văn tôi từng viết trên blog “ai cũng nói trường học là ngôi nhà thứ 2, nhưng chẳng thấy ai nói rằng nhà là trường học đầu tiên trong cuộc đời mỗi người” nằm gọn trong trang sách của chị. Tôi vui, dù tôi không phải là người đầu tiên viết ra câu đó như tôi từng nghĩ. Dù tôi, dù tác giả, dù các bạn luôn cho rằng mình có xung đột với phụ huynh, luôn cho rằng chúng ta khắc khẩu với bố mẹ, luôn cho rằng không ai hiểu nổi chúng ta; thì bố mẹ vẫn là bố mẹ và bố mẹ luôn mong những gì tốt nhất (theo quan điểm của bố mẹ) cho chúng ta. Và việc của chúng ta không phải là chứng minh bố mẹ sai, hay vùng vằng phản đối mọi suy nghĩ của bố mẹ. Bố mẹ có thể không hiểu chúng ta nhưng nếu chúng ta làm cho chúng ta hạnh phúc, bố mẹ chúng ta sẽ cảm nhận được cùng với chúng ta.

Đó cũng là câu chuyện về sự biết ơn người lao động, người nông dân – những người nuôi sống cả xã hội nhưng luôn tự cho mình (và cũng thường bị coi) là tầng lớp thấp hơn trong phân tầng xã hội. Họ vất vả tạo ra sản phẩm cho tất cả mọi người tiêu thụ, nhưng không đòi hỏi lấy một bằng chứng nhận, một lời ngợi khen. Họ luôn lặng thầm cống hiến hơn cả những người cống hiến nhất nhưng chính họ cũng không nhìn thấy sức mạnh của mình.
Và còn biết bao câu chuyện khác, của tác giả, của tôi và của các bạn được tác giả nói thay lời. Tuổi 20 là ngưỡi quan trọng của mỗi con người, không phải tuổi biết lớn, mà là tuổi biết buồn. Tuổi biết mình đang buồn, và sẽ phải buổi, phải được buồn. Tác giả tin như thế. Vì biết buồn thì mới biết vui. Biết mình đang sống, đang cảm nhận, đang yêu thương, đang nuối tiếc, đang trân trọng thì mới có thể trưởng thành. Nỗi buồn ngày hôm nay nâng bước cho sự trưởng thành ngày mai. Tuổi 20 như một bông hoa dại, bông hoa dại của tác giả, hoa dại của tôi, hoa dại của các bạn. Đừng chỉ nghĩ rằng bông hoa dại đó là dại khờ, là ngu ngốc, là ngây thơ. Bông hoa dại là mang trong nó là một sức sống phi thường. Nó vươn lên trong ánh mặt trời, trong mọi môi trường hoàn cảnh để bung nở cánh hoa. Nó không sợ nắng gió bão bùng vì chúng chỉ biết vươn lên để giành lấy sự sống, để xuất hiện dưới ánh mặt trời.

Tôi không chắc mình có thể đọc lại từ đầu tới cuối quyển sách thêm một lần nữa. Như chị Trang cũng tự nhận trong câu chuyện của chị, đọc sách mang lại cảm xúc, cảm xúc thì rất khó có thể xảy đến lần 2 nên đọc lại một cuốn sách cũ cũng hiếm khi xảy tới. Nhưng nếu ai đang 20 hỏi tôi về một cuốn sách, chắc chắn tôi sẽ giới thiệu cuốn sách này cho họ, bởi vì chúng ta đều là những bông hoa dại, dù có thể khác loài hoa, khác khoảnh đất. Bởi vì chúng ta cùng đang lớn, và cùng vươn lên đón lấy ánh mặt trời.

“Người ta nói kẻ dùng trái tim là yếu đuối, thực ra chỉ kẻ mạnh mới dám dùng thôi”. Câu văn tôi thích nhất của chị, thực ra tôi nghĩ không có mạnh yếu, dám hay không dám, chúng ta không dùng vì chúng ta không biết dùng, và cũng không có ai hướng dẫn dùng như thế nào cho đúng cách mà thôi.

Hải.TLDH 04.04.2020

Tham khảo mua sách online tại Fahasa:

https://shorten.asia/nU13WaHr


Comments

Nhiều Người xem

Here's what your work style preference says about you - Phong cách làm việc nói gì về bạn

Chat GPT - khởi đầu của thời đại AI - The golden age of AI: Why ChatGPT is just the star