Ngân hàng cá nhân
Mỗi một người trong chúng ta đều mang trong mình những ngân hàng. Không phải chỉ là về tiền bạc tài chính, đó là một ngân hàng về kiến thức, ngân hàng về kinh nghiệm, ngân hàng về tín ngưỡng - niềm tin - góc nhìn cuộc sống, ...
Nếu tôi luôn tin rằng ngân hàng kiến thức của tôi cũng có một chút vốn liếng nho nhỏ, thì ngân hàng cảm xúc của tôi thực sự là một nhà băng đầy trồi sụt và thường xuyên rơi vào trạng thái sắp phá sản. Tôi chưa bao giờ hiểu tại sao lại thế, tôi không biết ném suy nghĩ của mình vào đâu, tôi không biết kiểm soát biểu hiện cảm xúc của mình.
Nếu thật tâm, chưa bao giờ tôi nghĩ rằng tôi được sinh ra trong một gia đình hạnh phúc. Gia đình tôi có những vấn đè mà có lẽ khó gọi tên ra rõ ràng được. Vẫn biết là tôi không có quyền chọn bố mẹ cho mình, cũng biết rằng không phải là ai cũng hoàn hảo và không có vấn đề. Nhưng tại sao tôi luôn nghĩ, luôn ám ảnh, và luôn không ổn định về cảm xúc.
Hóa ra, ngân hàng của tôi trồi sụt vì tôi quá nghèo nàn về trải nghiệm cảm xúc. "Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ" của Đặng Hoàng Giang đã cho tôi thấy ngân hàng ấy của tôi nghèo nàn tới mức nào.Cuốn sách bắt đầu khá lạ lẫm, dẫn tới một câu chuyện rất cá nhân. Sách cứ tiếp tục, vẽ lên hàng loạt cá nhân khác nhau. Đi hết mười sáu phần là lời tự sự của 16 bạn trẻ tầm tuổi 20, 16 nỗi bi kịch và tôi chưa bao giờ có thể tượng tưởng ra kể cả trên phim. Xen vào giữa những câu chuyện, thi thoảng là một chương sách mang lời bình của tác giả với đầy đủ những phân tích và nhận xét sâu sắc (có trích dẫn cả tài liệu tham khảo về tâm lý học).
Những câu chuyện về những bạn trẻ với đầy rẫy những dồn nén, uất ức, đau khỏ, trong những gia đình không hoàn hảo (disfunctional families). Đó là những đứa trẻ phải tự tìm cách lớn, vì thiếu đi sự dạy dỗ của cha mẹ (hoặc chính cha mẹ cũng không có khả năng dạy chúng). Chúng luôn "lang thang" trong hành trình của một người vô định.
Đó là những gia đình bố mẹ ly dị, ly thân, là sống với nhau trong nhà nhưng chẳng bao giờ giao tiếp về cảm xúc và tâm lý. Những đứa con trong gia đình đó lớn lên với những hành vi cảm xúc bất thường với những đứa trẻ khác. Chúng giống như một vị phụ huynh (về thể chất hoặc là tinh thần) cho người phụ huynh của chúng. Nghe có vẻ bất thường, bất thường đến mức những đứa trẻ quay cuồng trong vai trò lạ lẫm mà chúng phải mang, có những cảm xúc mà ngược với những người trẻ thông thường
Đó còn là những gia đình mà bố mẹ yêu thương con cái theo cái cách của tù ngục đến cùng cực. Họ nghĩ rằng con cái họ là cuộc đời nối dài của họ, là một phần của bộ mặt xã hội của họ. Và những đứa trẻ lớn lên, chúng mâu thuẫn trong nội tại của chúng. Có đứa phát điên vì lộ trình ba mẹ đã định, có đứa ước mình chưa từng được sinh ra. Chúng tự hỏi làm sao cho ổn thỏa, không làm theo đường mòn là bất hiếu, nhưng làm theo đường mòn thì đánh mất chính mình.
Đó là những người trẻ đang trên hành trình tự chữa lấy chính mình, là những gia đình đang chữa lành cho nhau. Họ thay đổi, họ gọi tên nỗi đau khổ của mình ra và vượt lên trên điều đó.
Thực sự, sách đã làm ngân hàng cảm xúc của nó đa dạng hơn một chút. Sách cho nó thấy mình trong mỗi nhân vật, người này một ít, người kia một ít. Nó vẫn biết ai cũng có đau khổ, nó cũng thế. Nhưng sách cho nó một góc nhìn giải thích, tại sao nó lại bị như vậy, phản ứng như vậy, nguồn cơn do đâu. Nó thấy nó hiểu hơn về chính mình, và giàu hơn đôi chút về cảm xúc.
Đến những dòng kết này, nó chợt nhận ra có một người gần nó mà câu chuyện của bạn ấy cũng hệt như một nhân vật trong sách vậy. Gia đình bạn ấy đủ những lỗ hổng về tình cảm. Những đau khổ, những vết thương cảm xúc, những bệnh lý về tâm lý - tình cảm luôn là những thứ khó gọi tên nhất và làm người ta hỗn loạn nhất. Phải không?
Tôi bảo: "Có lẽ cuốn sách này nên dành cho bố mẹ chúng ta hơn là chúng ta".
Và bạn Cua bảo rằng: "Nhưng bố mẹ lại chẳng bao giờ đọc".
Tôi nhọc nhằn đã chừng quá lâuHãy để tôi nghỉ ngơi một chútTôi nhọc nhằn đã chừng quá lâuĐể chứng thật mình với chính mìnhĐể chứng thật mình với mọi ngườiTôi đã gắng xứng đáng với tình yêu của họGắng chứng thật rằng tôi yêu họGiờ đây mắt tôi bỗng tỏTôi không hoàn thiện cũng chẳng thiếu hụt gìGánh nặng tháng năm của bao thế hệ kiaTôi nhẹ nhàng đặt xuống.
Review sách: Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ - Đặng Hoàng Giang.
Comments
Post a Comment